Tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở ở tỉnh Lai Châu
Là huyện có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống (chiếm 33,29%), huyện Sìn Hồ luôn chú trọng thực hiện Đề án. Theo đó, ngay từ đầu khi triển khai, UBND huyện đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, và khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại các xã thuộc địa bàn trọng yếu là người dân tộc Mông. Từ năm 2015 đến nay, huyện Sìn Hồ đã cử 938 lượt cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và cán bộ nguồn của 6 xã trọng yếu đi đào tạo, bồi dưỡng; điều động, tăng cường 2 cán bộ, công chức người dân tộc Mông đến công tác tại các địa bàn trọng yếu, cử 3 cán bộ, công chức xuống giữ vị trí chủ chốt ở xã. Nhờ đó, huyện đã đạt 100% kế hoạch thực hiện công tác tạo nguồn cán bộ cơ sở và bố trí hợp đồng lao động là người dân tộc Mông tại 6/7 xã trọng điểm của huyện. Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Thanh Dương- Phó Chủ tịch UBND huyện thì bên cạnh những hiệu quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án này cũng gặp những khó khăn như: Chất lượng, năng lực của một số cán bộ là người dân tộc Mông chưa cao, khó đáp ứng được nhu cầu và vị trí công việc; chưa có chính sách tuyển dụng, chế độ đãi ngộ đặc thù nên có trường hợp bỏ vị trí khi chưa kết thúc đề án.
Trước đó, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Uỷ ban Dân tộc Trung ương, báo cáo tình hình thực hiện Đề án tại tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Đề án đã được tỉnh Lai Châu triển khai 5 năm và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trước hết phải kể đến là hệ thống chính trị tại cơ sở được củng cố (100% thôn, bản có đảng viên và có chi bộ); các vấn đề tôn giáo cơ bản ổn định; vai trò, hiệu lực của cấp uỷ được nâng lên. Ngoài ra, các xã trọng yếu được bố trí, tăng cường cán bộ người dân tộc Mông đảm bảo tỷ lệ, phù hợp với cơ cấu, thành phần dân tộc.
Tỉnh Lai Châu có kế hoạch đào tạo nguồn cán bộ là người dân tộc Mông (Ảnh nguồn Internet)
Để đảm bảo việc thực hiện Đề án đạt hiệu quả, cấp uỷ, chính quyền các huyện đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và tiến hành lựa chọn con em đồng bào Mông có về trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ để hợp đồng tại 20 xã trọng yếu của tỉnh. Xây dựng kế hoạch, quy hoạch cán bộ, bố trí đào tạo, bồi dưỡng để có số lượng cán bộ cấp xã là người dân tộc Mông phù hợp, đảm bảo tỷ lệ. Với những xã có từ 30% dân số là người dân tộc Mông trở lên thực hiện có ít nhất 1 cán bộ dân tộc Mông giữ chức danh lãnh đạo xã. Tại 20 xã trọng yếu, đến cuối năm 2018 số cán bộ, công chức người dân tộc Mông là 128/417 người (đạt 30,69%), trong đó có 15,62% có trình độ đại học; 3,9% có trình độ cao đẳng; 59,37% trình độ trung cấp, còn lại là trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, việc hợp đồng nhân viên dân tộc Mông theo Quyết định 718/QĐ-TTg trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, tỉnh Lai Châu đã giao cho Sở Nội vụ phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố và các Sở, ngành liên quan rà soát, tổng hợp số lượng sinh viên là người địa phương dân tộc Mông đã tốt nghiệp có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên để hợp đồng tại 20 xã địa bàn trọng yếu. Theo đó đến nay, tỉnh Lai Châu đã hợp đồng theo Đề án được 40/49 người làm việc tại 18 xã thuộc các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn và Sìn Hồ. Các nhân viên hợp đồng đều là người am hiểu phong tục tập quán, thực hiện các nhiệm vụ giúp cấp uỷ, chính quyền theo dõi tình hình an ninh, trật tự tại xã; vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, tự lực vươn lên xoá đói, giảm nghèo.
Cùng với đó, thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở thôn, bản. Nếu thời điểm cuối năm 2014 tỉnh Lai Châu vẫn còn 5 bản thuộc 20 xã trọng yếu chưa có đảng viên và chi bộ, 3 bản có đảng viên nhưng chưa thành lập chi bộ thì đến nay tại 20 xã trọng yếu của tỉnh đã có 244/244 thôn, bản có đảng viên và có chi bộ độc lập (tăng 8 chi bộ so với trước khi triển khai Đề án), trung bình mỗi thôn, bản có trên 12 đảng viên (tổng số đảng viên tại 20 xã trọng yếu là 3.084 đảng viên).
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã nói chung và cán bộ, công chức tại 20 xã trọng yếu đã được chỉ đạo quan tâm nhằm chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, nâng cao năng lực, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Việc quy hoạch bố trí cán bộ cấp xã đảm bảo phù hợp với cơ cấu thành phần dân tộc. Tỉnh cũng thực hiện việc điều động, tăng cường cán bộ là người dân tộc Mông đến công tác tại các xã vùng trọng yếu.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đề án, trình độ, năng lực của nhân viên hợp đồng là người dân tộc Mông ở một số xã thuộc Đề án còn hạn chế; việc thực hiện nắm bắt tình hình an ninh chính trị tại địa phương, việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân hiệu quả chưa cao. Việc tìm nguồn để hợp đồng, bố trí người dân tộc Mông có trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí ở vùng sâu, vùng xa còn thấp, nguồn cán bộ tại chỗ còn thiếu…
Để đảm bảo việc thực hiện đề án mang lại hiệu quả thiết thực với tình hình thực tế, tại các buổi làm việc với các đoàn công tác của Trung ương tại Lai Châu, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung trong đó đặc biệt chú trọng đến các chính sách ưu tiên với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Mông tại các xã trọng điểm phức tạp về an ninh chính trị. Mong rằng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, việc củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở tại tỉnh Lai Châu sẽ đạt được kết quả tích cực.
Quý Bảo