Lai Châu thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông, lâm nghiệp là tỉnh đã quan tâm chỉ đạo xây dựng mới, rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với thực tiễn, gắn với cơ cấu sản xuất và xây dựng các sản phẩm chủ lực nhằm phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã phê duyệt gần 20 dự án, đề án về phát triển nông nghiệp như Đề án Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp tỉnh Lai Châu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030... Tỉnh đã lãnh, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, phát triển sản phẩm lợi thế, nâng cao giá trị, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp-thủy sản từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng những lĩnh vực có lợi thế. Do vậy, giá trị sản xuất Ngành Nông nghiệp tăng bình quân 5,07%/năm (tăng 1,56 lần so với năm 2008). Thu nhập bình quân đầu người của dân cư khu vực nông thôn năm 2017 đạt 11,8 triệu đồng/người/năm (tăng 6 triệu đồng/người/năm so với năm 2008).
Người dân xã Bản Bo, huyện Tam Đường chăm sóc cây Mắc Ca.
Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tập trung đầu tư, cơ bản đảm bảo cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt vùng nông thôn. Các công trình thủy lợi được tập trung đầu tư theo hướng đa mục tiêu, nâng cao việc chủ động tưới tiêu cho các loại cây trồng, nuôi thủy sản, cấp nước sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được gần 180 công trình thủy lợi, kiên cố được 466 km kênh mương, nâng khả năng tưới từ trên 18.760 ha lên trên 26.140 ha. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 78,53%.
Giao thông nông thôn đã được chú trọng đầu tư đảm bảo cho người dân đi lại và phát triển sản xuất; đầu tư làm mới trên 1.420 km, sửa chữa trên 1.450 km đường giao thông nông thôn; 96/96 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã (tăng 16 xã so với năm 2008); 92/96 xã có đường liên thôn nhựa, bê tông (tăng 33 xã so với năm 2008).
Mạng lưới điện hạ thế được quy hoạch đến các xã, bản đảm bảo đủ điều kiện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư nông thôn. Đến nay, 96/96 xã có điện (tăng 38 xã so với năm 2008), 1.081/1.169 số thôn, bản có điện (tăng 408 thôn, bản so với năm 2008); 92,6% hộ dân được sử dụng lưới điện quốc gia. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển, đã phủ sóng truyền thanh, truyền hình, điện thoại di động đến 100% xã trên địa bàn tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 29 xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Các hình thức tổ chức sản xuất đã có nhiều đổi mới. Kinh tế tập thể, hợp tác xã và trang trại trong những năm qua đã sự chuyển biến tích cực, các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh ở nông thôn đã được hình thành và có hiệu quả. Bước đầu đã hình thành các hợp tác xã hoạt động theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tại các vùng tập trung. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 54 doanh nghiệp, 12 trang trại, 190 tổ hợp tác, 223 mô hình sản xuất kiểu mới và 68 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 55/108 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về hình thức tổ chức sản xuất. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững.
Tỉnh đã thực hiện rà soát, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Phát triển doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp được đẩy mạnh, đã thực hiện hợp đồng, liên kết chặt chẽ những quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các bên và có xác nhận, giám sát của chính quyền địa phương trong sản xuất, chế biến tiêu thụ chè, lúa hàng hóa và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học cho sản xuất nông nghiệp có chuyển biến tích cực, tập trung ứng dụng vào các mô hình khuyến nông, trồng thử nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi; đã tổng kết, đánh giá, tìm ra các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu và trình độ canh tác trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 60 đề tài, đề án, 619 mô hình nhằm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất tới người dân. Qua đó, đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo quy mô hàng hóa, tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp gắn với áp dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, từ khi thực hiện Nghị quyết đến nay đã giải quyết việc làm cho trên 48 nghìn người, đưa trên 600 lao động nông thôn đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ chiến lược về giảm nghèo đặc biệt quan tâm tới xã có tỉ lệ hộ nghèo cao, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, bình quân hàng năm giảm từ 5-6% số hộ nghèo. Các chính sách an sinh xã hội được đẩy mạnh thực hiện, Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn một số hạn chế như: Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao; việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp…
Từ những kết quả đã đạt được có thể khẳng định sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tốc độ tăng trưởng Ngành Nông nghiệp đạt khá; thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp; từng bước hình thành các vùng chuyên canh; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư phát triển. Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm phát huy lợi thế tự nhiên để đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài; đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.