Xây dựng mô hình tổ hợp tác chăn nuôi tập trung
Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thời gian qua xã Nậm Cần đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân phát triển các mô hình trang trại, gia trại tập trung. Điển hình là mô hình tổ hợp tác chăn nuôi chăn nuôi trâu, bò tập trung liên gia đình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
Ảnh: Dự trữ thức ăn cho đàn gia súc của gia đình a Cương
Trước đây, gia đình anh Vì Văn Cương ở bản Phiêng Lúc, xã Nậm Cần chăn nuôi trâu, bò theo hướng truyền thống, chủ yếu là thả rông trên rừng. Đầu năm 2020, gia đình anh cùng 01 hộ gia đình trong bản quyết định chung vốn, đầu tư làm 2 trang trại, tập trung 26 con trâu, bò về chăn nuôi nhốt. Anh Vì Văn Cương cho biết: Sau khi hai gia đình bàn bạc và thấy được hiệu quả kinh tế của việc xây dựng trang trại nuôi nhốt tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã tập trung trâu, bò đang chăn thả trong rừng về nuôi theo hình thức trang trại. Sau gần 2 năm thực hiện mô hình, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt; đàn trâu, bò giảm rủi ro bệnh tật, các hộ dân giảm được ngày công chăn nuôi, số lượng, chất lượng trâu, bò ngày một tăng. Việc tập trung nuôi theo mô hình trang trại, gia đình anh đã kiểm soát tốt dịch bệnh, có lượng phân bón dồi dào để phuc vụ sản xuất nông nghiệp trồng lúa, trồng ngô, trồng cỏ voi. Từ khi nuôi nhốt tập trung, đàn trâu, bò của các hộ gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, hiện nay đàn trâu, bò của các hộ gia đình đã sinh sản được 2 con bê và 1 con nghé. Đến cuối năm nay đàn trâu, bò của gia đình anh sẽ có thêm 6 con bê con và nghé con.
Ảnh: Anh Cương thái cỏ cho trâu, bò ăn
Đồng chí Hoàng Văn Mừng - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cần cho biết: Là xã thuần nông, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc. Đặc biệt, trong chăn nuôi gia súc, người dân chủ yếu thả rông trên đồi, rừng, không có chuồng trại nuôi nhốt, không tiêm phòng dịch bệnh dẫn đến có nhiều rủi ro trong chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế không cao. Để từng bước nâng cao đời sống cho người dân, UBND xã đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi nhốt trâu, bò tập trung liên gia đình. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư con giống; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và chế biến thức ăn để nuôi nhốt trâu, bò.
Ảnh: Mô hình trang trại tổ hợp chăn nuôi của các hộ gia đình
Để thực hiện tốt và mang lại hiệu quả kinh tế trong việc nuôi nhốt gia súc, xã thường xuyên tuyên truyên bà con nhân dân tập trung chuẩn bị thức ăn dự trữ cho đàn gia súc, đặc biệt là trong mùa rét, đảm bảo đàn trâu bò được giữ ấm; tích cực trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn lâu dài và đảm bảo chất dinh dưỡng cho đàn gia súc. Đến nay, sau gần 2 năm xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi trâu, bò tập trung liên gia đình; số lượng và chất lượng trâu, bò trên địa bàn xã được nâng lên; hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn xã./.