Phát hiện và điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao
Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có các đồng chí Giàng A Tính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Năm 2019, hoạt động của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo các địa phương đã dần đi vào nề nếp, công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong bảo đảm an ninh trật tự thực chất hơn. Đã chủ động nắm chắc tình hình, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiều chính sách về phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Công tác phòng, chống tội phạm đạt được những thành tích rất nổi bật. Tội phạm về trật tự xã hội giảm 7,39%, có 51/63 địa phương giảm; nhiều loại tội phạm giảm mạnh như: Trộm cắp (giảm 9,6%), cướp giật tài sản (giảm 10,32%). Tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 90,88%. Tỷ lệ điều tra khám phá đạt 81,93%, án rất nghiêm trọng đạt 93,86%, triệt phá 2.246 băng, nhóm tội phạm các loại. Phát hiện và điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma tuý, môi trường… Nhiều vấn đề phức tạp về tội phạm đã được giải quyết tốt, tạo chuyển biến căn bản.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn còn phức tạp, nhất là tội phạm liên quan đến hoạt động “bảo kê”, “tín dụng đen” kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, tội phạm mua bán người, đưa người trốn đi nước ngoài còn diễn biến phức tạp; tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép diễn ra tại nhiều địa phương; tội phạm xâm hại trẻ em gia tăng. Vẫn còn một số đơn vị, địa phương trong đó có lực lượng Công an vi phạm, sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mặt công tác, thậm chí lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thiếu trách nhiệm, làm ngơ trước các hành vi vi phạm pháp luật…
Năm 2020, BCĐ 138/CP xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị; tiến hành tổng kết Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020; tập trung triển khai các hoạt động phòng ngừa xã hội, nhất là ở các địa bàn cơ sở…
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Văn phòng Thường trực đã triển khai Kế hoạch năm đồng bộ, quyết liệt, nhiều vụ việc vi phạm bị phát hiện, nhiều đối tượng bị xử lý. Số liệu sơ bộ 11 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 196 vụ việc vi phạm (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp NSNN 20.118 tỷ 258 triệu đồng (tăng gần 4% so với cùng kỳ), khởi tố 1.883 vụ (tăng 30% so với cùng kỳ), 2.231 đối tượng (tăng gần 35% so với cùng kỳ). Trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn những khu vực đường mòn lối mở và phía Trung Quốc đã xây dựng nhiều hàng rào biên giới kiên cố nên tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới đã giảm hơn so với cùng kỳ năm 2018. Trên tuyến biên giới miền Trung hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma tuý qua biên giới gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất vụ việc. Năm qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ma tuý lớn. Điển hình, ngày 17/2/2019, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với Cục C04 – Bộ Công an, Công an, Hải quan tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển trái phép 294 kg ma tuý dạng đá từ Lào về Việt Nam. Trên tuyến Tây Nam bộ, trong tháng 12/2019, lực lượng C03 Bộ Công an đã phát hiện, bắt giữ vụ nhập lậu gần 1.000 tấn đường cát từ Campuchia về Việt Nam…
Năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xác định các nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường công tác xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách để xảy ra vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài; xây dựng cẩm nang nhận diện các phương thức, thủ đoạn thường được các đối tượng lợi dụng để vi phạm, các thủ đoạn mới phát sinh; đổi mới truyền thông kể cả bề rộng, chiều sâu; tăng cường kiểm tra, thanh tra, đôn đốc thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2019, đất nước đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật về kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó có sự đóng góp của công tác phòng chống tội phạm và phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Tình hình tội phạm giảm, làm tốt công tác truyền thông, người dân tham gia vào công tác phòng chống và tố giác tội phạm. Nhiều lực lượng hoàn thiện tổ chức bộ máy, đề cao kỷ cương, kỷ luật…
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng mà các cấp, các ngành đã đạt được trong công tác phòng chống tội phạm và phòng chống buôn lậu và gian lận trong năm 2019. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng thực tế tình hình diễn ra chưa thực sự đáp ứng được mong muốn của Chính phủ và sự kỳ vọng của Nhân dân.
Chính vì vậy Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong năm 2020: Các ngành chức năng phải đánh giá lại công tác nắm tình hình, xem xét thực chất sự phối hợp giữa các lực lượng, việc chia sẻ thông tin; thống kê đầy đủ các vụ vi phạm đã xảy ra, phân tích nguyên nhân để có giải pháp trong thời gian tới; cần đánh giá vai trò trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo trong chỉ đạo điều hành, thực hiện các mặt công tác tại các địa phương; xem xét xem có vấn đề lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm ngơ trước các hành vi vi phạm hay không; khắc phục việc xử lý sai phạm chưa nghiêm, tình trạng nể nang, né tránh; cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các ban chỉ đạo; trực tiếp chỉ đạo và xử lý các vụ việc vi phạm để tạo tính răn đe; ngăn chặn tham nhũng vặt; làm tốt công tác phòng ngừa; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe các ý kiến của Nhân dân; xem xét đề xuất hoàn thiện thể chế trong phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội… góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trong năm 2020.