Giải quyết kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV
Cử tri xã Tà Mung, Mường Kim, huyện Than Uyên kiến nghị: Theo báo cáo trả lời của UBND tỉnh, công trình thủy lợi Nậm Mở đã xong và bàn giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý thủy nông Lai Châu quản lý, tuy nhiên công trình chỉ đón nước ở 3 khe vào mùa mưa, mùa khô nước cạn không đủ tưới tiêu, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục xem xét, chỉ đạo có giải pháp đảm bảo nước tưới hai vụ cho Nhân dân để nâng cao hiệu quả công trình, tránh lãng phí, tốn kém.
Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Để bổ sung nước phục vụ sản xuất cho Nhân dân và phát huy hiệu quả của dự án Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý thuỷ nông tỉnh Lai Châu đầu tư bổ sung thêm 400m tuyến kênh, trong đó có bố trí 02 cửa thu nước ở các khe để bổ sung nước vào kênh; 03 điểm đấu nối vào các kênh nhánh thuộc địa phận xã Mường Kim, đã hoàn thành vào ngày 15/4/2019.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty TNHH MTV Quản lý thuỷ nông tỉnh Lai Châu và UBND huyện Than Uyên nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết.
Cử tri bản Gia Khâu I, xã Nậm Loỏng, Thành phố Lai Châu kiến nghị: UBND tỉnh xem xét có chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức không đảm bảo về trình độ nhưng không thuộc đối tượng theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ và Nghị định 113/2018/NĐ-CP, ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu các đối tượng được giải quyết chế độ một lần, đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với Chính phủ sửa đổi quy định thời gian giải quyết chế độ một lần cho cán bộ, công chức theo hướng rút ngắn, không để kéo dài 12 tháng như hiện nay.
Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Tại điểm c, khoản 2, Điều 1, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP quy định các trường hợp tinh giản biên chế như sau: “Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.”
Như vậy, trường hợp cán bộ, công chức trình độ đào tạo chưa đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 1, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP thì đề nghị Sở Nội vụ giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP.
Về thời gian giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội một lần: Tại điểm b, khoản 1, Điều 8, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo bảo hiểm xã hội bắt buộc: “Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội”.
Như vậy, thời gian 12 tháng mà cử tri đề cập đến là điều kiện để được hưởng bảo hiểm xã hội một lần, không phải là thời gian giải quyết chế độ chính sách của cơ quan có thẩm quyền. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ kiến nghị với Chính phủ trong các báo cáo về thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lai Châu để rút ngắn thời gian 1 năm nghỉ việc của cán bộ, công chức để hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Cử tri các bản, tổ dân phố thị trấn Tân Uyên kiến nghị: UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí và nâng mức hỗ trợ xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa cho các bản, Tổ dân phố sau khi sáp nhập để đảm bảo cho việc sinh hoạt, học tập của Nhân dân, hiện tại mức hỗ trợ 150 triệu/01 nhà là thấp, rất khó khăn trong quá trình xây dựng.
Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố đã được giao dự toán đầu năm cho UBND các huyện, thành phố tại Quyết định số 1561/QĐ-UBND ngày 12/10/2018 của UBND tỉnh về việc giao dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2019. Việc phân bổ kinh phí dựa trên cơ sở phân kỳ thực hiện Đề án số 241-QĐ/TU của Tỉnh uỷ về nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng Đảng bộ tỉnh và khả năng cân đối ngân sách tỉnh; mức hỗ trợ bình quân là 150 triệu/01 nhà văn hóa.
Hiện nay, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, khả năng cân đối ngân sách địa phương để nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa là rất khó khăn. Mặt khác việc bố trí kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố chỉ mang tính chất hỗ trợ, đề nghị UBND huyện tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa, vận động Nhân dân tham gia ủng hộ, đóng góp (hiện vật, ngày công...) để xây dựng nhà văn hóa thôn, bản.
Cử tri các xã thuộc huyện Sìn Hồ kiến nghị: UBND tỉnh cấp kinh phí cho huyện để sửa chữa nhà văn hóa bản và thực hiện việc tẩm màn, phun diệt muỗi, phòng, chống các dịch bệnh do muỗi gây ra.
Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Về việc cấp kinh phí để sửa chữa nhà văn hoá bản: Hiện nay, điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, khả năng cân đối, bố trí nguồn ngân sách để sửa chữa nhà văn hoá các bản gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Sìn Hồ rà soát, cân đối, bố trí nguồn ngân sách địa phương, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hoá để sửa chữa nhà văn hoá các bản trên địa bàn huyện.
Về việc cấp kinh phí thực hiện việc tẩm màn, phun diệt muỗi, phòng chống các dịch bệnh do muỗi gây ra: Theo báo cáo của Sở Y tế, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh dịch bệnh do muỗi gây ra chủ yếu là bệnh sốt rét. Hiện nay, huyện Sìn Hồ còn 3 xã trọng điểm về sốt rét gồm: Sà Dề Phìn, Làng Mô, Chăn Nưa. Theo đánh giá của Chương trình phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng quốc gia, tỉnh Lai Châu đã cơ bản loại trừ được bệnh sốt rét. Do đó, các nguồn kinh phí của tổ chức quốc tế viện trợ cho Chương trình phòng chống sốt rét bị cắt giảm; chỉ hỗ trợ việc cấp màn tẩm hóa chất tại một số xã trọng điểm của tỉnh (trong đó có 03 xã của huyện Sìn Hồ nêu trên) để duy trì kết quả phòng chống bệnh sốt rét đã đạt được.
Cử tri xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ kiến nghị: UBND tỉnh đầu tư nâng cấp tuyến đường biên giới từ xã Vàng Ma Chải đi cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng để thuận lợi cho giao thông đi lại của Nhân dân và giao lưu trao đổi hàng hóa.
Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Tuyến đường trên đã được đầu tư từ những năm trước, qua ảnh hưởng của các mùa mưa lũ, nhiều đoạn đã hư hỏng mặt đường, rãnh thoát nước, dẫn đến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Phong Thổ lập danh mục dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường trên, đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và thực hiện đầu tư khi bố trí được nguồn vốn.
Cử tri xã Thu Lũm, huyện Mường Tè kiến nghị: Đề nghị UBND tỉnh cho phép Nhân dân tự chủ động sản xuất giống cây Tam thất bản địa, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các hộ sản xuất được giống để có nguồn giống nhân rộng, không phải nhập giống từ bên ngoài để nhân rộng mô hình phát triển cây dược liệu này tại các xã biên giới.
Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Theo khoản 4, Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu, cây Tam thất bản địa được xem là cây dược liệu địa phương. Mặt khác, theo khoản 1, Điều 1 và Điều 8, Quyết định số 35/2008/QĐ-BNN ngày 15/02/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về quản lý sản xuất giống cây trồng nông hộ quy định: Nông hộ sản xuất giống cây trồng để tự sử dụng hoặc trao đổi trong nội bộ đơn vị hành chính cấp huyện thì không bắt buộc phải đảm bảo đủ các điều kiện về sản xuất theo quy định tại khoản 1, Điều 36 Pháp lệnh giống cây trồng.
Theo các quy định trên thì các hộ dân tại xã Thu Lũm, huyện Mường Tè hoàn toàn đủ điều kiện và tự chủ động sản xuất giống cây Tam thất bản địa.
Đối với nội dung hỗ trợ kinh phí cho các hộ sản xuất cây giống để có nguồn giống nhân rộng, UBND tỉnh ghi nhận nội dung kiến nghị của cử tri, hiện UBND tỉnh đang xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho ý kiến trong tháng 8/2019 và trình HĐND tỉnh tại kỳ họp 11; nội dung kiến nghị của cử tri sẽ được nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phê duyệt Đề án.