Chuyên mục Hỏi – đáp pháp luật về Nuôi con nuôi
1.Hỏi: Độ tuổi tối đa của người nhận nuôi con nuôi là bao nhiêu? Người cao tuổi có được nhận nuôi con nuôi không?
Đáp: Hiện nay, pháp luật về nuôi con nuôi không quy định tuổi tối đa của người nhận con nuôi. Tuy nhiên theo quy định tại điều 2 của Luật Người cao tuổi thì, công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi. Người cao tuổi phải được đảm bảo các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, được gia đình chăm sóc, phụng dưỡng. Do đó việc người cao tuổi nhận nuôi con nuôi đặc biệt là trẻ em nhỏ tuổi để chăm sóc, nuôi dưỡng là không phù hợp, không đảm bảo cho việc cha, mẹ nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng con nuôi đến tuổi trưởng thành. Hơn nữa, trên thực tế nếu khoảng cách độ tuổi giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi quá lớn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ em.
Nếu yêu cầu đăng ký việc nuôi con nuôi không đảm bảo mục đích của việc nuôi con nuôi và không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em theo quy định tại Điều 2 của Luạt Nuôi con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã có thể từ chối đăng ký việc nuôi con nuôi
2. Hỏi: Người chồng hoặc người vợ hiện tại có thể nhận con nuôi riêng của vợ hoặc chồng đã nhận trước khi kết hôn làm con nuôi hay không? Nếu được trình tự, thủ tục giải quyết như thế nào?
Đáp: Trước khi kết hôn, người vợ hoặc người chồng hiện tại đã có một người con nuôi riêng, trong trường hợp này, bên chồng hoặc bên vợ còn lại có thể nhận con nuôi riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi. Trình tự thủ tục được vận dụng thực hiện như đối với cha dượng/ mẹ kế nhận con riêng của vợ/ chồng làm con nuôi.
Sau khi tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi, nếu có yêu cầu, công chức Tư pháp – Hộ tịch thay đổi họ, tên hoặc thay đổi phần kê khai và cha hoặc mẹ trong giấy khai sinh của con nuôi theo quy định của pháp luật về hộ tịch.